Ho do trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm?

06/11/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Đường Tiêu Hóa Các Bệnh Sức Khỏe Tiêu Hóa
Ho do trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm?

Trả lời:

Khi nuốt thức ăn, các cơ thắt thực quản giãn ra để chuyển thức ăn từ miệng - hầu họng xuống dạ dày. Thức ăn được tiêu hóa bởi dịch vị (một chất có thành phần chính là axit clohydric ở dạ dày) có chức năng tiêu hủy thức ăn. Trào ngược dạ dày xảy ra khi dịch vị không nằm ở dạ dày mà trào ngược lên trên thực quản gây kích thích, viêm bỏng niêm mạc thực quản.

Thành phần chính trong dịch vị là axit kích thích thực quản, gây khó chịu ở cổ họng và vùng trước ngực. Những trường hợp trào ngược thực quản tái phát nhiều lần dẫn đến viêm loét thực quản. Trào ngược dạ dày (GERD) đặc trưng bởi triệu chứng ợ nóng, ợ chua, cảm giác nóng ran lồng ngực.

Trào ngược dạ dày gây ho kéo dài thường xuất hiện sau các triệu chứng bệnh không điều trị hoặc điều trị GERD không dứt điểm. Bệnh liên tục tái phát, thực quản và thanh quản bị kích ứng bởi dịch vị với tần suất cao. Lâu dần, ngoài những tổn thương niêm mạc thực quản, bệnh có thể tiến triển thành phù nề, sưng tấy thanh quản, niêm mạc hầu họng. Người bệnh sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như ho kéo dài, thường xuyên đau họng, đôi khi khó nuốt thức ăn.

Ho do trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến nhưng nhiều người không biết, lầm tưởng nguyên nhân khác khiến bệnh dễ chuyển biến nặng. Ho do trào ngược dạ dày kéo dài thường là ho khan, kèm đau rát cổ họng. Những cơn ho này thường dai dẳng, dễ dẫn đến viêm họng cấp.

Để phân biệt cơn ho kéo dài do bệnh GERD với những nguyên nhân khác, người bệnh chú ý đến những triệu chứng kèm theo như đau rát cổ họng, vùng thượng vị (trên rốn) hoặc xương ức kèm tình trạng ợ nóng, ợ chua, kéo dài vài giờ và thường xảy ra sau ăn. Ho kèm theo khó nuốt (do thực quản đang trong trạng thái sưng tấy, gây cản trở quá trình vận chuyển thức ăn xuống dạ dày), cảm giác vướng tại cổ họng, cả khi không nuốt thức ăn, đắng miệng, khàn tiếng, thường xuyên hắng giọng, giọng nói không đầy.

Bác sĩ Trung khám cho một bệnh nhân. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản gây ho kéo dài chủ yếu dùng thuốc uống. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ tái phát đến 70% và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Bạn cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp xây dựng thói quen ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, chế độ dinh dưỡng cân bằng. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, nhiều chất bảo quản và gia vị. Ưu tiên tự chế biến thức ăn tại nhà, giảm gia vị khi nấu nướng. Mỗi bữa ăn cần đầy đủ các nhóm dưỡng chất tinh bột, đạm, béo tốt, các vitamin kháng viêm như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin D...

Nghỉ ngơi hợp lý cũng giúp trào ngược dạ dày gây ho kéo dài mau khỏi hơn, tránh suy nhược cơ thể. Nếu tình trạng của bạn nặng, trào ngược kháng trị (trào ngược đáp ứng kém điều trị và tái phát thường xuyên), bác sĩ có thể chỉnh định phẫu thuật.

BS.CKI Huỳnh Văn TrungTrung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóaBệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật