Trả lời:
Đóng bỉm quá lâu, trong thời gian dài khiến da của trẻ ẩm ướt, thiếu lưu thông không khí, tạo điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển. Đây là nguyên nhân trẻ dễ bị hăm, viêm, nhiễm nấm, thậm chí có thể dẫn đến viêm đường tiết niệu.
Thời điểm lý tưởng để tập bỏ bỉm dần cho trẻ là từ 18 tháng đến 3 tuổi. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất là khi trẻ sẵn sàng về mặt sinh lý và tâm lý. Cha mẹ nên tập cho bé ngồi bô hay hướng dẫn con tự đi vệ sinh mà không cần bỉm.
Trẻ đóng bỉm quá lâu có thể gây nên một số bệnh lý ngoài da. Ảnh minh họa: Đình Lâm
Thực tế không ít bé hình thành khả năng kiểm soát thói quen đi vệ sinh khá muộn, dẫn tới thời gian bỏ bỉm trễ như con của bạn. Thay vì bỏ bỉm hoàn toàn trong thời gian ngắn, phụ huynh nên rèn luyện cho trẻ thói quen này từ từ. Trẻ bắt đầu dùng những loại bỉm thấm hút tốt và mỏng nhẹ để dễ dàng hoạt động, vui chơi. Sau đó bỏ bỉm vào ban ngày, đóng bỉm ban đêm để trẻ quen dần. Phụ huynh dạy con cách gọi người lớn khi có nhu cầu đi vệ sinh. Cha mẹ có thể khích lệ, thưởng cho bé mỗi lần bé chủ động đi tiểu mà không cần bỉm để con biết mình đang làm đúng.
Bên cạnh đó, bạn xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt để hạn chế con tiểu đêm như không uống quá nhiều nước hoặc sữa vào ban đêm, đi vệ sinh trước khi ngủ... Tuyệt đối không nên gọi bé dậy giữa đêm để đi vệ sinh gây ảnh hưởng đến giấc ngủ, lâu dần dẫn đến tâm lý cáu gắt, chống đối.
Trong thời gian bỏ bỉm, trẻ có thể tè dầm, đây là hiện tượng bình thường. Phụ huynh nên sử dụng ga chống thấm giúp chỗ ngủ của bé luôn khô ráo. Tuy nhiên nếu tình trạng diễn ra lâu ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, nên đưa trẻ đi khám.
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh TrangPhó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về Nhi - Sơ sinh tại đây để bác sĩ giải đáp