Ngày 21/10, Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật (TP Hà Tĩnh) cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng với 4 mỏ khoáng sản ở thị xã Kỳ Anh, Hương Khê và Thạch Hà. Phiên đấu có 22 doanh nghiệp tham gia theo hình thức trả giá trực tiếp và bỏ phiếu.
Mỏ cát Cụp Bàu (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) rộng hơn 49,6 ha với trữ lượng gần 2 triệu m3, giá khởi điểm 10 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng bất động sản Trọng Tín (trụ sở tại TP Hà Tĩnh) trúng đấu quyền khai thác mỏ cát này với 120 tỷ đồng, sau 117 vòng trả giá. Mức này gấp 12 lần giá khởi điểm.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng trúng mỏ san lấp đất Ngọc Sơn 1 (huyện Thạch Hà) sau 112 vòng trả giá, số tiền 20 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần mức khởi điểm (1,8 tỷ đồng). Mỏ cát này có diện tích 8,63 ha, trữ lượng hơn 1,44 triệu m3. Tương tự, họ cũng trúng mỏ đất làm gạch tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê, với 56 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần giá khởi điểm.
Công ty Trọng Tín thành lập ngày 4/10, vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt...
Mỏ vật liệu còn lại ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà được một công ty xây dựng khác trên địa bàn đấu giá thành công với 47 tỷ đồng. Mức này cao hơn 37,5% giá khởi điểm (3,4 tỷ đồng).
Phiên đấu giá 4 mỏ vật liệu ở Hà Tĩnh, ngày 21/10. Ảnh: Hùng Lê
Đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật cho hay mức giá trúng các mỏ cát, vật liệu này khá cao, song nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ nộp đủ tiền, hoàn tất thủ tục để khai thác. Bởi nếu bỏ cọc, họ sẽ mất 2 tỷ đồng tiền cọc.
Hiện mỗi m3 cát xây dựng tại Hà Tĩnh dao động 80.000-90.000 đồng, cát san lấp là 20.000-30.000 đồng. Giá đất san lấp 60.000-65.000 đồng, còn đất 90.000-120.000 đồng một m3. Theo tính toán, với mức giá thị trường hiện nay, trường hợp mỏ khai thác hoàn toàn là cát xây dựng, doanh nghiệp có thể thu về 160-180 tỷ đồng trong hai năm tới.
Với mức giá quyền khai thác mỏ cát 120 tỷ đồng, mỗi m3 cát tương đương 60.000 đồng. Muốn có lãi thì doanh nghiệp phải bán giá cao hơn. Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp phải nộp 120 tỷ đồng và các khoản thuế, phí... để được cấp phép khai thác mỏ cát. Chưa kể họ phải bỏ thêm các chi phí về nhân công, máy móc trong quá trình khai thác, vận hành. Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng có lời của doanh nghiệp.
Một mỏ cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng
Ngoài ra, theo lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng, thông thường các mỏ thường có khoảng 40% cát đạt tiêu chuẩn để xây dựng, còn lại là vật liệu dùng trong san lấp. Như vậy, với mỏ cát trữ lượng khoảng 2 triệu m3, thời hạn khai thác hai năm, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị lỗ.
"Bình thường một mỏ đất san lấp chỉ đấu giá đến 45-46 bước là kịch khung, trường hợp này trả tới 65-125 bước. Ba mỏ vật liệu còn lại giá cũng cao, nếu làm cũng đối mặt với lỗ", ông nói.
Tuy vậy, đại diện Công ty Trọng Tín cho hay trả giá đấu cao "để làm, không phải tham gia cho vui". Theo vị này, doanh nghiệp sẵn sàng nguồn lực tài chính. Các mỏ vật liệu vừa trúng đấu giá sẽ được họ khai thác để cung cấp cho các dự án cao tốc Bắc Nam, khu công nghiệp VSIP... "Với mức trúng đấu giá chúng tôi tính toán có lời", đại diện doanh nghiệp nói.
Hà Tĩnh hiện thiếu cát để xây dựng các công trình dân dụng. Tỉnh có 8 mỏ cát, 21 mỏ đất và 38 mỏ đá đang hoạt động. Hồi tháng 4, mỏ cát Cụp Bàu được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt bổ sung vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2024.