Người dân, chiến sĩ vùng lũ được miễn phí tiêm vaccine uốn ván

14/09/2024
|
0 lượt xem
Sức Khỏe Vaccine
Người dân, chiến sĩ vùng lũ được miễn phí tiêm vaccine uốn ván

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết đối tượng được chủng ngừa là người dân, chiến sĩ đang sinh sống, làm việc, khắc phục hậu quả sau bão lũ. VNVC không giới hạn số lượng tiêm vaccine này.

Đến 14/9, đơn vị đã tiêm miễn phí cho gần 400 người. Đa số có vết thương hở do vật nhọn, mảnh kín, tôn... gây ra trong quá trình cứu hộ, di chuyển, dọn dẹp sau bão, lũ. Nhiều vết thương nhiễm bẩn, tiếp xúc với bùn, đất, nước thải, nguy cơ nhiễm khuẩn uốn ván cao.

Bên cạnh đó, VNVC còn ưu đãi giá các vaccine quan trọng khác như mũi ngừa tả, thương hàn. Đồng thời, đơn vị hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm, hàng nghìn túi thuốc gia đình tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng sau bão Yagi, gồm: Thái Bình, Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La.

Tham gia đoàn cứu hộ tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên, Lê Anh Công, 19 tuổi, phải vượt qua những khu vực ngập sâu đến ba mét. Hôm 10/9, Công leo trèo trên mái nhà để tiếp cận người dân mắc kẹt, giẫm phải đinh nhọn. Đồng đội sơ cứu sau đó đưa anh tới VNVC Thái Nguyên, được chủng ngừa một mũi vaccine và dùng huyết thanh uốn ván.

Anh Hà Phúc Minh Hoàng, Đội An ninh Công An TP Tuyên Quang, bị mảnh sành cứa vào chân khi anh đang giúp người dân dọn dẹp khu vực tổ dân phố Hồng Phong phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang. Anh Hoàng được chỉ định tiêm vaccine uốn ván đơn và huyết thanh.

Đơn vị của anh Lê Anh Công tham gia cứu hộ tại rốn lũ Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Chính cho biết vaccine uốn ván có thể tiêm sau khi bị thương và tiêm chủ động để phòng bệnh.

Trường hợp chủng ngừa khi có vết thương, bác sĩ Chính lưu ý người dân sơ cứu đúng cách, đầy đủ theo các bước. Đầu tiên, cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước sạch. Người dân nên dùng oxy già sát khuẩn nhằm đẩy bụi, cát bẩn ra ngoài và cầm máu, sau đó rửa lại vết thương bằng xà phòng, lau khô.

Nếu vết thương có dị vật, người dân cần rửa sạch tay, loại bỏ dị vật, băng che và vệ sinh hằng ngày. Trường hợp nặng hơn như vết dao đâm, cành cây, dị vật cắm vào cơ thể, người dân nên đến cơ sở y tế, không tự xử lý tại nhà. Sơ cứu vết thương đúng cách sẽ giúp loại bỏ các nha bào uốn ván, giảm sự phát triển của mầm bệnh.

Sau đó, người dân cần tiêm phòng uốn ván, có thể thêm huyết thanh. Chỉ định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng của vết thương, lịch sử tiêm, tình trạng sức khỏe... Vaccine cần tiêm trong vòng 24 giờ kể từ khi bị thương, có thể tiêm thêm huyết thanh theo chỉ định của bác sĩ.

Phùng Hiếu (áo đen) và người thân bị thương trong khi dọn nhà, được tiêm vaccine uốn ván miễn phí tại VNVC Yên Bái sáng 13/9. Ảnh: Nguyễn Ngân

Phác đồ vaccine gồm ba mũi, trong đó mũi 2 cách mũi đầu tiên một tháng và mũi 3 cách mũi thứ 2 sáu tháng. Vaccine cần nhắc lại mỗi 10 năm/lần hoặc khi có vết thương để hiệu quả bảo vệ lâu dài. Người dân có thể chủ động tiêm ngừa uốn ván trước khi bị thương, giúp bảo vệ sớm các trường hợp lây nhiễm uốn ván trong quá trình sinh hoạt, làm việc.

Trường hợp đã chủ động tiêm vaccine dự phòng, khi gặp vết thương lớn và nguy cơ mắc uốn ván, nhắc lại một liều vaccine, không cần dùng Globulin miễn dịch (TIG) hoặc huyết thanh uốn ván (SAT).

Ngoài ra, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân trang bị các thiết bị bảo hộ đầy đủ như giày, găng tay... khi lao động, dọn dẹp. Việc này giúp hạn chế vết thương chảy máu hoặc vết xước nhỏ, tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập.

Người dân tiêm vaccine ngừa uốn ván miễn phí tại VNVC Thái Nguyên. Ảnh: Cẩm Trang

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm do ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra, tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, nguy cơ mắc bệnh tăng cao khi có vết thương lớn, nhiễm bẩn.

Thời gian ủ bệnh 7-14 ngày, thông thường khoảng 10 ngày. Thể bệnh được phân loại dựa trên vị trí vi khuẩn xâm nhập.

Trong đó, thể uốn ván toàn thân thường gặp nhất với biểu hiện co cứng nhiều vùng cơ như cơ mặt, cơ hàm, cơ bụng, cơ lưng. Bệnh nhân tử vong do các biến chứng như suy hô hấp, gãy xương, ngừng thở, trào ngược dịch dạ dày vào phổi, rối loạn thần kinh thực vật...

Với thể uốn ván cục bộ, ca bệnh thường không phổ biến, chỉ giới hạn cơ ở gần vùng vết thương, ít gây nguy hiểm hơn uốn ván toàn thân. Trong đó, thể uốn ván đầu là hình thái hiếm gặp của dạng này, diễn ra sau chấn thương đầu hay nhiễm khuẩn tai. Các triệu chứng bệnh gồm cứng hàm, rối loạn chức năng một hoặc nhiều dây thần kinh sọ, thường gặp là dây thần kinh số 7, có tỷ lệ tử vong cao.

Hạ Lam - Gia Nghi

Tin liên quan
Tin Nổi bật