Phụ huynh kêu trời nhưng vẫn âm thầm cho con đi học thêm

13/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Phụ huynh kêu trời nhưng vẫn âm thầm cho con đi học thêm

Chuyện học thêm trở thành một vấn đề tranh luận sôi nổi. Nhiều phương án được đưa ra như: cấm triệt để, dạy thêm học thêm là ngành kinh doanh có điều kiện, cấm thầy cô dạy thêm học sinh trên lớp của mình, thầy cô dạy thêm chỉ dạy ở các trung tâm không được vào biên chế...

Cơ quan quản lý dường như cũng bối rối trong các văn bản chỉ đạo, nơi thì cho phép dạy thêm, có nơi giáo viên phải cam kết không dạy thêm, có nơi cho dạy nhưng phải đăng ký với hiệu trưởng.

Giải thích về nguồn gốc của dạy thêm, học thêm cũng mọi người đưa ra nhiều lý do: chương trình mới kiến thức nặng hơn, do thầy cô ép học sinh, do nhu cầu của học sinh...

Nhưng theo tôi, không thể phủ nhận dạy thêm học thêm ngày càng gia tăng có một phần trách nhiệm từ chính phụ huynh học sinh.

Phụ huynh quá lo lắng

Chuyện học tập của con là mối lo thường xuyên của bố mẹ, con học mầm non đã cho con học các lớp tiền tiểu học, luyện chữ, học đếm số, càng lớn nỗi lo càng tăng lên theo cấp số nhân.

Ngày trước, gia đình đông con, kinh tế khó khăn lo đủ ăn đã là hạnh phúc. Còn bây giờ mỗi gia đình có một đến hai con, kinh tế xã hội được cải thiện, bố mẹ có điều kiện chăm lo cho con, chuyện học tập của con cũng được đặt lên hàng đầu. Phụ huynh cho con học thêm vì sợ con không theo được bạn bè khi học trên lớp, lo con không phát triển toàn diện, không phát huy được năng lực của bản thân.

Những đứa trẻ "thời đại học thêm" bắt đầu quay cuồng với lịch học, học thêm với thầy cô trên lớp vì sợ bị thầy cô "đì", học thêm các thầy cô "có tiếng" để con được tiến bộ và giỏi hơn, học những môn con còn chưa học tốt để cải thiện điểm số.

Phụ huynh sẵn sàng cho con học từ sáng cho đến chín, mười giờ đêm, học cả thứ bảy, chủ nhật. Khi bộ giáo dục triển khai chương trình giáo dục năm 2018 nỗi lo ấy cũng được tăng lên, phụ huynh sợ chương trình mới con không nắm bắt kịp, sợ cách ra đề thi, đề kiểm tra đánh giá thiên về áp dụng thực tế các con không quen...và đích đến cuối cùng lại là các lớp học thêm.

Phụ huynh quá kỳ vọng vào các con

Bây giờ một học sinh đến trường, hành trang không chỉ là cái cặp với đầy đủ đồ dùng học tập, những ước mơ cháy bỏng của tuổi học trò, mà nó còn gánh nặng cả những ước mơ của cha mẹ.

Nhiều lúc cha mẹ gửi gắm niềm hy vọng con có thể viết tiếp ước mơ dang dở của mình, cha mẹ cũng kỳ vọng con làm được một việc gì đó lớn lao để nở mày nở mặt với thiên hạ.

Điều đầu tiên cho những kỳ vọng ấy là con phải được điểm cao qua các bài kiểm tra, đạt học sinh xuất sắc cuối mỗi kì học. Khi con đạt kết quả cao phụ huynh sẽ khoe lên mạng xã hội, tự hào về con là điều xứng đáng khi cha mẹ đã hi sinh và chăm lo cho con rất nhiều, nhưng hãy cẩn thận vì trong một tình tình huống nào đó nó là con dao hai lưỡi, có thể gây tổn thương cho con mình. Rồi kỳ vọng con thi được vào các trường chuyên lớp chọn, đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi trực tuyến...

Nhiều phụ huynh không cho con bỏ sót bất kỳ một kỳ thi nào, thậm chí còn săn các kỳ thi ở khắp nơi để đăng ký cho con thi. Cho con rèn luyện trong các cuộc thi ấy là tốt, nhưng phải có sự chọn lọc, tính toán hợp lý với năng lực của con.

Trí não, tâm lý, thể chất con trẻ cần được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sau những giờ học trên lớp. Sự kỳ vọng của phụ huynh vô tình tạo thành áp lực cho học sinh, những đứa trẻ được gắn mác "hoàn hảo", "toàn diện" tiếp tục được lan rộng trong xã hội.

Một số bạn học sinh bị mắc bệnh trầm cảm từ chính sự kỳ vọng của bố mẹ. Vì mong con có tương lai tốt mà cha mẹ đã "đánh cắp" tuổi thơ của các con.

Phụ huynh cần thay đổi quan điểm

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới sự thay đổi triệt để phương pháp giáo dục, nhằm phát huy phẩm chất năng lực của học sinh. Bộ Giáo dục và đào tạo hy vọng học sinh chủ động hơn trong quá trình lĩnh hội tri thức.

Tôi nghĩ phụ huynh cần có cái nhìn thấu đáo về vấn đề này, kết quả học tập của con là một quá trình, không hẳn là điểm số của các bài kiểm tra, đánh giá. Mỗi học sinh có năng lực ở một nhóm bộ môn, một lĩnh vực nào đó, số lượng các bạn giỏi toàn diện chắc chắn có nhưng không nhiều.

Câu chuyện một lớp bình thường học 100% học sinh xuất sắc là điều hiếm có, nếu lớp nào cũng có kết quả tương tự như vậy chắc chắn điểm số đang bị lạm phát, giáo dục đang chạy theo thành tích.

Phụ huynh nên đảm bảo cho các con cân bằng giữa việc chơi và học, con nên phát triển toàn diện giữa tâm lý, kiến thức và sức khỏe. Phụ huynh có thể nên bớt sự kỳ vọng vào các con, sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của con. Nếu phụ huynh làm được điều này, chắc chắn việc dạy thêm, học thêm sẽ được giảm bớt.

Bởi vì phụ huynh mới là nhân tố quyết định về kinh tế, thời gian, quan điểm giáo dục trong việc con có học thêm hay không. Nếu phụ huynh có suy nghĩ, quan điểm vững vàng thì chẳng ai có thể bắt các con đi học thêm được.

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết về chuyện học thêm - dạy thêm về địa chỉ email:[email protected] hoặc ấn vào box bên dưới.

An Phú

Tin liên quan
Tin Nổi bật