Vịnh Dickson ở Greenland trước vụ sạt lở. Ảnh: Søren Rysgaard
Một tín hiệu địa chấn kỳ lạ kéo dài 9 ngày liên tục khiến giới khoa học bối rối vào tháng 9 năm ngoái. Hiện nay, các nhà nghiên cứu xác định nguyên nhân khiến Trái Đất chấn động là siêu sóng thần bị kẹt bên trong vịnh biển sau khi một đỉnh núi sụp đổ, theo Live Science. Cơn sóng khổng lồ cao 200 m xô đẩy tới lui bên trong vịnh Dickson ở Đông Greenland trong 9 ngày liền vào tháng 9/2023. Chuyển động của nó làm cho sóng địa chấn dội qua lớp vỏ hành tinh.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu khá bối rối trước tín hiệu này. Nhưng quá trình tìm hiểu bằng vệ tinh và ảnh mặt đất cuối cùng truy ra nguồn gốc hoạt động địa chấn nằm ở ngọn núi bị mất ổn định do biến đổi khí hậu làm tan sông băng ở chân núi. Các nhà nghiên cứu công bố phát hiện hôm 12/9 trên tạp chí Science.
"Khi chúng tôi bắt đầu chuyến thám hiểm khoa học này, mọi người đều băn khoăn và không ai có chút ý tưởng nào về nguyên nhân gây ra tín hiệu", trưởng nhóm nghiên cứu Kristian Svennevig, nhà địa chất học ở Cục khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS), chia sẻ. "Tất cả những gì chúng tôi biết là nó có liên quan tới sạt lở. Chúng tôi chỉ có thể khám phá bí ẩn này thông qua nỗ lực hợp tác liên ngành và quốc tế".
Sau khi các trạm theo dõi địa chấn thu được tín hiệu vào tháng 9 năm ngoái, hai khía cạnh của tín hiệu khiến những nhà khoa học khó hiểu. Đầu tiên, khác với động đất tần số cao, nó dao động với quãng 92 giây giữa các đỉnh. Thứ hai, nó kéo dài nhiều ngày mới kết thúc. Nhóm nghiên cứu mau chóng liên hệ nguyên nhân khả thi với sạt lở trong vịnh, nhưng để hiểu rõ tín hiệu ra đời như thế nào, họ kết hợp đo thực địa, ảnh vệ tinh và mô hình siêu máy tính để dựng lại những gì xảy ra.
Nghiên cứu của họ hé lộ vụ sạt lở lớn nhiều khả năng khiến sóng thần xô đẩy qua vịnh hẹp, hiện tượng mang tên triều giả. Theo đồng tác giả nghiên cứu Alice Gabriel, nhà địa chấn học ở Đại học Alice Gabriel, thực hiện mô phỏng máy tính chính xác đối với sóng thần kéo dài như vậy là một thách thức lớn.
Vụ sạt lở tạo ra sóng thần khổng lồ là hệ quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm tan băng quanh vùng cực ở tốc độ ngày càng nhanh. Trong trường hợp tại vịnh Dickson, sóng thần làm 25 triệu m3 đá và băng (tương đương 10.000 bể bơi Olympic) rơi xuống biển.
Không ai bị thương do vụ sụp đổ nhưng sóng thần phá hủy cơ sở hạ tầng trị giá 200.000 USD ở một trạm nghiên cứu vắng người trên đảo Ella gần đó. Các nhà nghiên cứu cho biết tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu có thể gây ra sạt lở nghiêm trọng hơn quanh vùng cực.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện về nguồn gốc sóng địa chấn của họ sẽ truyền cảm hứng cho những người khác xem xét ghi chép địa chấn về các sự kiện tương tự, giúp họ nhận biết điều kiện chính xác dẫn tới sạt lở có sức tàn phá lớn ở vùng cực.
An Khang (Theo Live Science)