Tôi đi Pháp xem một kỳ Olympic 'chưa hoàn hảo'

19/09/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Tôi đi Pháp xem một kỳ Olympic 'chưa hoàn hảo'

Vậy là kỳ Olympic ở Paris đã kết thúc. Năm nay tôi cố gắng sang Pháp để theo chân đội tuyển Mỹ xem Olympic. Mỹ có hơn năm trăm vận động viên thi đấu ở rất nhiều nội dung nên thực tế tôi chỉ xem được có vài môn, chỉ là môn nào cũng có người Mỹ thi đấu.

Công tác tổ chức Olympics rất kỳ công, mà thách thức lớn nhất là cơ sở vật chất dành cho rất nhiều môn thể thao khác nhau. Ngoài các môn mà nước Pháp đã có sẵn cơ sở vật chất thì nhiều môn khác lại đòi hỏi nước chủ nhà phải xây dựng thêm.

Tôi xem môn canoe slalom, môn này đòi hỏi một đường đua là một dòng nước với sóng, xóay nước và chướng ngại vật, tương tự như các dòng suối đổ từ trên núi xuống.

Ban tổ chức phải ra ngoại ô Paris, đào một dòng suối cạnh một con sông lớn, lắp máy tạo xóay nước và chướng ngại vật, rồi dựng khán đài tạm sức chứa 20 ngàn người.

Kết quả là khu vực thi đấu nằm ở nơi xa xôi hẻo lánh, phải đi xe lửa tới nơi rồi đi bộ một quãng gần 30 phút, nhiều khúc chỉ toàn đường đất, bụi bay đầy. Sau khi kết thúc buổi thi đấu, khán giả được một đoàn xe buýt tới đón về ga xe lửa.

Tác giả xem một trận thi đấu bóng chuyền bãi biển dưới chân tháp Eiffel,. Ảnh: Khanh Huỳnh

Tuy vậy, số lượng khán giả quá đông đồng nghĩa với việc nhiều người phải xếp hàng trong nắng gắt, còn tôi thì trở về với đôi giày đầy bụi đất.

Môn đua thuyền buồm (sailing) và đua lướt sóng bằng dù (kite) được tổ chức ở bờ biển thành phố Marseille. Vé khá rẻ và tôi hớn hở nghĩ rằng sự kiện không quá đông.

Trên thực tế, cũng như môn canoe slalom, ban tổ chức (BTC) lấy một khoảng đất rộng cạnh một cái vịnh và thiết kế rất nhiều chỗ bán thức ăn uống, những cái lều lớn để tránh nắng, cùng nhiều màn hình lớn.

Các vận động viên xuất phát ở một điểm gần bờ rồi đi ra biển, sau đó thực hiện các động tác xoay vòng, chạy đua trên các vòng cung ngoài biển. Khán giả chỉ thấy cánh buồm hay dù của vận động viên. Các loại xuồng và trực thăng chở người quay phim chạy theo để thu hình, phát trực tiếp cho khán giả qua các màn hình rộng.

Môn này phụ thuộc vào gió biển nên sự kiện diễn ra từ 12 giờ trưa tới 7 giờ tối, chủ yếu là khán giả và các vận động viên ngồi đó chờ gió lên, mỗi cuộc đua không kéo dài bao lâu. Kết cục sự kiện cũng giống như một buổi lễ hội đầy nắng, gió, và kem lạnh.

Điểm trừ lớn nhất của kỳ thế vận hội lần này chắc là thức ăn. Vì mục tiêu xanh sạch gì đấy mà thức ăn bán tại các sự kiện toàn là đồ chay, rất ít thức ăn có protein.

Không có gà rán, xúc xích nướng, bánh pizza với thịt, vốn là các món thường thấy ở các sự kiện thể thao. Thay vào đó, BTC cho khán giả ăn xúc xích chay, pasta trộn olive và cà chua, bánh panini với rau chân vịt, và đủ thứ đồ ngọt rất không cần thiết. Khán giả còn khóc thét vì đói, nên các vận động viên than phiền liên tục cũng phải.

Môn bóng chuyền bãi biển được tổ chức ngay dưới chân tháp Effiel, cũng không có gì đặc sắc ngoài việc người bán hàng rong bị đuổi đi hết nên an ninh tốt.

Tôi xem một trận buổi trưa nên một khán giả ngồi gần ngất đi vì nắng nóng. Tôi sơ tán con nhỏ đi vào khoảng râm duy nhất do khán đài đổ bóng xuống.

Nhân viên bảo tôi về chỗ ngồi rồi cũng làm lơ khi thấy đứa trẻ nấp dưới bóng râm uống nước. Được một chốc thì tôi đành ra về sớm, chui vào bóng cây ăn kem lạnh một lúc mới dám lội bộ ra bến xe lửa.

Tổ chức Olympic tốn kém kinh khủng khi nhìn vào những địa điểm và thiết bị dụng cụ mà nước tổ chức phải chuẩn bị. Kỳ Olympic này gặp nhiều tai tiếng liên quan tới cơ sở vật chất, từ điều hòa, thức ăn tới chất lượng dụng cụ thi đấu trong môn thể dục dụng cụ.

Mặc dù chỉ đi xem nhưng tôi thấy bản thân cũng giống như chạy marathon khi phải đi bộ, phơi nắng, nâng vác đồ đạc đem theo tới đủ thứ địa điểm hiểm trở khác nhau rồi lại gân cổ reo hò.

Suy đi nghĩ lại, tôi mới thấy ước mơ tổ chức Olympic xa xôi thế nào với những nước đang phát triển hay hơn nhỏ một chút. Các nước vùng vịnh dù giàu vẫn không thể tổ chức nổi một kỳ Olympic do hạn chế về thời tiết và địa lý, bởi họ chả đào đâu ra dòng sông, bãi biển. Hy Lạp tổ chức Olympic xong là rơi vào suy thoái luôn,

Ngày trước, nhiều người đã gọi Olympic Bắc Kinh (2008) là bữa tiệc hội nhập của Trung Quốc, là cách thể hiện đất nước này đã lên tới "mâm trên" trên trường quốc tế.

Đứng ở vịnh Marseille, tôi nghĩ về những cơn sóng ở biển Mũi Né và biết rằng sóng ở đấy rất phù hợp với môn lướt sóng.

Khả năng Việt Nam có thể tổ chức một kỳ Á vận đội thôi cũng hãy còn xa lắm.

Khanh Huỳnh

Tin liên quan
Tin Nổi bật