"Trước đây tội phạm buôn bán theo cân, lạng, chỉ bây giờ theo tấn, tạ. Từ chỉ đi theo đường bộ, giờ chúng vận chuyển qua cả đường biển, đường sông và hàng không, thậm chí mua bán không cần gặp mặt", trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, nói tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội vào chiều 8/11.
Ông Trung đánh giá việc Chính phủ đã trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là cần thiết, biện pháp mạnh giải quyết triệt để vấn nạn này.
Chia sẻ lại phát biểu của Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên tại một hội nghị, ông cho biết ở một số "địa bàn nóng", người dân cứ không có tiền là nghĩ tới vận chuyển ma túy. "Vì lợi nhuận cao nên họ không bao giờ từ bỏ việc buôn bán, vận chuyển ma túy, thậm chí có bị treo cổ vẫn làm", ông Trung nói.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội. Ảnh: Media Quốc hội
Với sự phát triển công nghệ, tội phạm mua bán ma túy "thu lợi nhuận ngày càng nhiều" vì rút ngắn được chuỗi cung ứng, giảm chi phí, tiếp cận nhanh. Các loại ma túy phát triển liên tục, từ thuốc phiện phải dùng bàn đèn thời xa xưa, đến tiêm chích. "Giờ đây, ma túy có thể được đưa vào cơ thể bằng nhiều cơ chế như hút, hít, ăn, ngửi và đặc biệt là sử dụng được mọi lúc mọi nơi", ông Trung nói.
Ma túy được coi là nguồn cơn của rất nhiều loại tội phạm, như cướp, giết, trộm cắp, lừa đảo. Theo người đứng đầu Công an Hà Nội, với 40% người nghiện ma túy không có nghề nghiệp, việc họ vi phạm pháp luật, thậm chí sát hại cả người thân trong gia đình để lấy tiền đã không còn xa lạ. Đã có trường hợp băng nhóm phản động chống phá sử dụng người nghiện ma túy để thực hiện bạo loạn, khủng bố, bởi "cứ cho thuốc hít là người nghiện không còn sợ gì".
Phó ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Media Quốc hội
Cùng lo ngại vấn nạn ma túy, Phó ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết cứ 10 bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thì một người có tiền sử nghiện ma túy. Ma túy là nguyên nhân lớn gây tổn thương hệ thần kinh lên người sử dụng, nhất là mất trí nhớ, giảm nhận thức, trầm cảm, hoang tưởng, lo âu và nhiều bệnh tâm thần. Người nghiện ma túy cũng dễ mắc bệnh về tim mạch, huyết áp dẫn đến đột quỵ; suy hô hấp, rối loạn hành vi, bị kích động, mất kiểm soát.
Bà Hà đề nghị Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 cần tập trung hơn cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cấp cơ sở để tạo điều kiện chăm sóc ban đầu và hỗ trợ người nghiện ma túy tại địa phương.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Trung ương Phật giáo Việt Nam) kể trong một số ngôi chùa, trẻ em vào cạy hòm công đức lấy tiền đều nghiện ma túy. Ma túy gây bất ổn, mất bình an, sinh ra nhiều vụ án như cướp tiệm vàng, chém giết. Vì vậy, theo ông việc phòng chống ma túy phải được thực hiện bởi toàn xã hội và bắt đầu ngay từ gia đình, nhà trường.